Cách viết bằng chữ trên hóa đơn, chứng từ kế toán

1/ Thông tư số 39/2014/TT-BTC:
- Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; 
Sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, ... phải đặt dấu CHẤM (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu PHẨY (,) sau chữ số hàng đơn vị.
- Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải bảo đảm không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.
——-
2/ Sau đó Bộ tài chính ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC,
cho phép DN sử dụng thêm: Dấu PHẨY (,) là dấu phân cách số tự nhiên sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, ... nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải sử dụng dấu CHẤM (.)
——-
3/ Theo thông tư 200/2014 và 133/2016:
Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xoá, không viết tắt. Số tiền viết bằng chữ phải khớp, đúng với số tiền viết bằng số.”
——-
4/ Theo Điều 7, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP: 
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán.
———
5/ Hiện nay, pháp luật hiện hành chỉ quy định chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách đọc chữ số, viết số tiền trên hóa đơn chứng từ bằng chữ. Trong thực tế, việc này đôi khi gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các “nhà kế” bán hàng và người mua hàng chỉ vì không thống nhất được cách viết số tiền bằng chữ trên hóa đơn, chứng từ. Cụ thể:
[1] Có nên viết thêm chữ CHẴN ở cuối câu không? Ví dụ: 220.000 đồng, viết bằng chữ: “Hai trăm hai mươi ngàn đồng chẵn”.
Theo ngu ý của “tiện hạ” thì: Từ "chẵn" ở đây không phải là từ "chẵn" trong số học (số chẵn, số lẻ), mà nó dùng để phân biệt với trường hợp có số lẻ sau dấu phẩy (,). Trước đây, khi đồng tiền Việt có “giá” thì người ta tính số tiền đến 2 chữ số lẻ sau hàng đơn vị, (ví dụ: 4.231,45 đ); Cho nên người ta dùng từ "chẵn" để xác định rằng số tiền đến hàng đơn vị là hết, không có số lẻ ở sau, (ví dụ: 4.231 đồng = Bốn ngàn hai trăm ba mươi mốt đồng chẵn).
Ngày nay, đồng tiền Việt Nam chỉ còn đến số đơn vị, không còn số lẻ (xu, hào) nữa, chắc do thói quen nên nhiều người vẫn còn ghi thêm từ "chẵn". 
Một phần, có lẽ do ảnh hưởng của tiền nước ngoài, nhất là đồng USD hay có xu lẻ nên ghi như vậy để tránh viết chèn thêm.
Việc ghi số tiền bằng chữ có thêm chữ “chẵn” là không cần thiết, nhưng có “chẵn” thì cũng chẳng sao, ghi làm sao để không gây hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn, chứng từ, bảo đảm các quy định của pháp luật về kế toán tài chính thì vẫn được xem là hợp lệ.
——-
[2] Nguyên tắc viết số tự nhiên bằng chữ: Rất đơn giản như học sinh lớp 1, “Đọc sao thì viết vậy” thôi mà!
Tuy nhiên do pháp luật không có quy định cụ thể về cách đọc chữ số, viết số tiền trên hóa đơn, chứng từ bằng chữ, do yếu tố vùng miền, tiếng địa phương (ví dụ như nói ngọng âm “lờ” và âm “nờ”), nên “nhà kế” chú ý các nguyên tắc đọc số tự nhiên cho đúng để hạn chế viết sai số tự nhiên bằng chữ. 
Cách đọc số tự nhiên như thế nào là đúng nhất? Chỉ cần đọc số thành từng lớp (mỗi lớp có 3 chữ số). Ví dụ: 318.205 đọc là: Ba trăm mười tám ngàn - Hai trăm lẻ năm.
——
** Một số trường hợp cách đọc số cần lưu ý: Cũng có sự tranh luận về cách đọc số 1, 4, 5 là MỘT, BỐN, NĂM hay là MỐT, TƯ, LĂM? 
Cách đọc số nên tuân theo quy luật “hài âm, hài thanh” để cho dễ đọc. Đây là quy luật “thay phụ âm đầu và đổi thanh bằng” để từ ngữ xuôi hơn.
——
Cụ thể:
- Chữ số tận cùng là chữ số 1. 
+ Đọc là MỘT khi chữ số hàng chục bằng 0 hoặc bằng 1 (01, 11).
Ví dụ: 
301: Ba trăm lẻ một.
7.011: Bảy ngàn không trăm mười một.
+ Số 1 đọc là MỐT khi chữ số hàng chục bằng số 2 trở đi.
Ví dụ: 
21: Hai mươi mốt.
961: Chín trăm sáu mươi mốt.
5.881: Năm ngàn tám trăm tám mươi mốt.
——
- Chữ số tận cùng là chữ số 4.
+ Số 4 đọc là BỐN khi chữ số hàng chục bằng 0 hoặc bằng 1 (04, 14). 
Ví dụ: 
14: Mười bốn.
114.004: Một trăm mười bốn ngàn không trăm lẻ bốn.
+ Số 4 đọc là TƯ khi chữ số hàng chục bằng số 2 trở đi.
Ví dụ: 
24: Hai mươi tư.
94.144: Chín mươi tư ngàn một trăm bốn mươi tư.
204.184: Hai trăm lẻ bốn ngàn một trăm tám mươi tư.
+ Lưu ý: Khi chữ số hàng chục bằng 2 hoặc bằng 4 thì số 4 có thể đọc là BỐN hay TƯ đều được cả.
——
- Chữ số tận cùng là chữ số 5.
+ Sau chữ MƯỜI và chữ MƯƠI thì số 5 đọc là LĂM. 
Ví dụ: 
15: Mười lăm. 
45: Bốn mươi lăm.
3.555: Ba ngàn năm trăm năm mươi lăm.
+ Sau những chữ còn lại số 5 đọc là NĂM hết.
Ví dụ: 
1.205: Một ngàn hai trăm lẻ năm.


ACMAN Tổng hợp

Chia sẻ


    Bình luận