Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều  quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

5 trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết 2 điều trong dự án luật, trong đó có trường hợp được xóa nợ thuế (Điều 85).

Theo đó, Quốc hội đã nhất trí đối với 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đó là: Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Trường hợp thứ ba được xóa nợ thuế là: các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên, mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại khoản này trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá. 

Thứ tư, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của Luật này và đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 của Luật này mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. 

Trường hợp thứ 5 được xóa nợ thuế là: Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Luật quy đinh, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực tài chính để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Luật bổ sung hành vi bị cấm đối với việc làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế .

Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước 

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nhà nước (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra nhà nước (Điều 22), trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, để bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế theo quy định của các luật chuyên ngành, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung quy định cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước.

“Để đảm bảo khách quan, minh bạch, bổ sung quy định khi người nộp thuế chưa đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp; Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Đức Hải nói. 

Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho hay: Có ý kiến cho rằng, việc quy định tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày là thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp cố tình trây ì, chậm nộp tiền thuế để giảm chi phí, do đó đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tính tiền chậm nộp ở mức cao hơn.

UBTVQH xin giải trình như sau: Trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày). Mặt khác, mức tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày tương đương với mức 10,95%/năm, trong khi ghi nhận lãi suất huy động bằng VND hiện nay khoảng 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện nay phổ biến từ 6 - 9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn. Như vậy, mức tiền chậm nộp hiện nay đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7./.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày ngày 1/7/2022.


ACMAN Tổng hợp.

Chia sẻ


    Bình luận